Năm 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hồ tiêu Việt Nam khi giá xuất khẩu tăng cao, kim ngạch đạt mức tỷ đô. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo cần thận trọng trước những rủi ro đã từng xảy ra cách đây gần một thập kỷ, khi thị trường lao dốc không phanh vì sự phát triển thiếu bền vững.
Giá hồ tiêu bật tăng, kim ngạch xuất khẩu lập đỉnh
Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, trong tháng 11/2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 15.948 tấn với tổng kim ngạch 106,5 triệu USD. Giá tiêu đen xuất khẩu bình quân đạt 6.513 USD/tấn, tăng 229 USD so với tháng trước, trong khi tiêu trắng đạt 8.286 USD/tấn, tăng thêm 57 USD.
Tính chung 11 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 235.335 tấn hồ tiêu, thu về hơn 1,217 tỷ USD. Trong đó, tiêu đen chiếm phần lớn với 1,036 tỷ USD, còn tiêu trắng mang về 181,5 triệu USD. Dù khối lượng xuất khẩu giảm nhẹ 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch tăng gần 47% nhờ giá tiêu tăng mạnh.
Sự phục hồi này đã đưa hồ tiêu quay trở lại danh sách nông sản xuất khẩu tỷ đô, khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trên bản đồ hồ tiêu thế giới. Các doanh nghiệp lớn như Olam Việt Nam, Phúc Sinh hay Nedspice đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong năm nay.
Bài học từ giai đoạn “vàng đen” rơi vào khủng hoảng
Sự tăng trưởng của ngành hồ tiêu trong năm nay đã gợi nhắc lại thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2010-2015. Khi ấy, giá hồ tiêu lên tới 10.700 USD/tấn, tương đương 6,5 cây vàng. Tuy nhiên, cơn sốt giá đã kéo theo tình trạng đầu cơ và mở rộng diện tích ồ ạt.
Người dân kỳ vọng giá tiếp tục tăng nên tích trữ hàng loạt, thậm chí có hộ để đến 5 tấn trong nhà chờ giá cao hơn. Tuy nhiên, thị trường đảo chiều nhanh chóng. Từ năm 2015 đến 2019, giá hồ tiêu rớt mạnh, từ đỉnh cao 250 triệu đồng/tấn xuống chỉ còn 36 triệu đồng/tấn.
Cùng lúc đó, sản lượng hồ tiêu tăng kỷ lục lên gần 300.000 tấn, trong khi nhu cầu thị trường không đủ hấp thụ. Hệ quả là hàng loạt hộ nông dân rơi vào cảnh nợ nần, vườn tiêu bị bỏ hoang do không thể duy trì chi phí chăm sóc.
Hướng đi bền vững cho tương lai
Để tránh lặp lại kịch bản khủng hoảng như trước, ngành hồ tiêu Việt Nam cần định hướng phát triển theo mô hình bền vững. Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch HTX Nam Yang (Gia Lai), nhận định việc chuyển đổi sang trồng xen canh, đa canh cùng các cây trồng khác như cà phê, cây ăn quả sẽ giúp giảm rủi ro và chi phí sản xuất.
Mô hình này không chỉ đảm bảo thu nhập ổn định mà còn hạn chế tình trạng dịch bệnh và khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học thay thế thuốc hóa học. Đây là bước đi cần thiết để hướng tới một nền nông nghiệp an toàn và lâu bền.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hồ tiêu thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nguồn cung chưa thực sự phục hồi. Trong dài hạn, giá tiêu vẫn được hỗ trợ bởi sản lượng có xu hướng giảm, đặc biệt trong vụ mùa 2025 khi tình trạng hạn hán kéo dài đã làm chậm thời gian thu hoạch.
Các chuyên gia nhận định, chu kỳ tăng giá mới của hồ tiêu có thể kéo dài từ 10-15 năm, với mức giá kỳ vọng có thể lên tới 350.000-400.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để tận dụng tốt chu kỳ này, ngành hồ tiêu cần tránh lặp lại tình trạng cung vượt cầu như giai đoạn trước.
Bằng việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành hồ tiêu Việt Nam có thể giữ vững vị thế trên thị trường toàn cầu, đảm bảo sự phát triển ổn định và lâu dài.
Kinh nghiệm đầu tư hàng hóa phái sinh - 5 bước đơn giản để đầu tư hàng hóa thành công