Giới doanh nhân dầu mỏ và nhà đầu tư trái phiếu Mỹ đang thúc giục Tổng thống đắc cử Donald Trump xem xét lại chính sách trừng phạt dầu mỏ đối với Venezuela, một chính sách mà ông đã thực hiện trong nhiệm kỳ đầu của mình. Theo thông tin từ Wall Street Journal, các nhóm này đang kêu gọi ông Trump từ bỏ chiến lược gây sức ép tối đa lên chính quyền Tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela. Những lời kêu gọi này dấy lên sau khi một chuyến hàng nhựa đường từ Venezuela cập cảng Palm Beach, Florida vào tuần trước, lần đầu tiên kể từ khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với ngành dầu mỏ Venezuela vào năm 2019.
Chuyến hàng nhựa đường do công ty Global Oil Terminals (Mỹ) khai thác từ Venezuela, gồm 43.000 thùng nhựa đường lỏng, đủ để trải nhựa khoảng 88 km đường bộ. Đây là dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi trong chính sách và động thái hợp tác từ chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden. Giấy phép khai thác dầu mỏ tại Venezuela đã được Bộ Tài chính Mỹ cấp cho một số công ty dầu mỏ của Mỹ, cho phép họ khôi phục hoạt động trong nước này, giúp nối lại một phần mối quan hệ thương mại vốn bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt.
Với mục tiêu khôi phục ngành công nghiệp dầu mỏ, Tổng thống Maduro đã mở ra khả năng ký kết các thỏa thuận hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các công ty Mỹ, nếu họ có thể giúp nước này vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ. Những nhà đầu tư này hy vọng thỏa thuận sẽ không chỉ giúp Venezuela phục hồi nền kinh tế mà còn giúp giảm thiểu tình trạng di cư từ đất nước này sang Mỹ, đồng thời ổn định giá năng lượng.
Theo thông tin từ các công ty dầu mỏ, một thỏa thuận với Venezuela có thể mang lại lợi ích lâu dài, không chỉ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ mà còn giúp Mỹ tạo lợi thế chiến lược trước các đối thủ như Trung Quốc và Nga. Hai quốc gia này đã tranh thủ cơ hội để gia tăng ảnh hưởng tại Venezuela trong khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Harry Sargeant IV, Chủ tịch Global Oil Terminals, cho biết: "Nguồn nhựa đường chất lượng cao, giá rẻ của Venezuela vào Mỹ đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp. Việc thỏa thuận này sẽ là một đòn giáng mạnh vào các đối thủ cạnh tranh chiến lược của chúng tôi."
Các nhà kinh tế nhận định rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ không những không thể giúp cải thiện tình hình tại Venezuela mà còn làm gia tăng làn sóng di cư từ quốc gia này, một vấn đề mà Mỹ không mong muốn. Venezuela, với nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào dầu mỏ, đã chứng kiến sản lượng dầu thô giảm mạnh trong suốt hơn một thập kỷ qua do thiếu đầu tư và các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Điều này càng khiến nước này càng phải tìm kiếm các đối tác thay thế để phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ.
Mới đây, chính quyền Mỹ không công nhận kết quả bầu cử tổng thống của Venezuela vào tháng 7/2023, khi Tổng thống Maduro giành chiến thắng. Sau cuộc bầu cử, một số phe đối lập Venezuela đã kêu gọi Mỹ thay đổi hoặc thu hồi giấy phép khai thác dầu mỏ tại quốc gia này. Tuy nhiên, tháng 8 vừa qua, ông Maduro đã cảnh báo rằng nếu Mỹ và các đồng minh tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela, những hợp đồng dầu khí hiện tại với các công ty Mỹ sẽ có thể được chuyển nhượng cho các quốc gia đồng minh trong khối BRICS.
Venezuela là một trong những quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 17% tổng trữ lượng dầu mỏ toàn cầu, tương đương với 303 tỷ thùng dầu. Mặc dù vậy, sản lượng dầu thô của nước này đã giảm mạnh trong những năm qua, từ mức cao nhất 3,5 triệu thùng mỗi ngày xuống chỉ còn 393.000 thùng/ngày vào giữa năm 2020. Điều này chủ yếu do các lệnh trừng phạt của Mỹ và thiếu đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản lượng dầu của Venezuela đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ, chủ yếu nhờ vào sự hợp tác với các đối tác như Nga và Iran.
Chuyến hàng nhựa đường từ Venezuela là một trong những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Venezuela có thể có sự thay đổi, dù lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực. Với các thỏa thuận tiềm năng và những cơ hội hợp tác, tương lai của ngành dầu mỏ Venezuela có thể được định hình lại, đồng thời giúp giảm bớt căng thẳng trong quan hệ quốc tế.
>>>Xem thêm:
Giá dầu brent hôm nay
Giá dầu thế giới wti hôm nay