SỰ KIỆN VĨ MÔ TRONG TUẦN
Chỉ số CPI của Mỹ
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu lạm phát tháng 10 của Hoa Kỳ vào thứ Tư, khi thị trường chờ xem liệu tổng thống đắc cử Trump có thúc đẩy các chính sách kinh tế có thể gây lạm phát hay không.
Các nhà kinh tế dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 2,4% vào tháng 10, tương đương với tốc độ của tháng 9. Mức tăng hàng năm của tháng 9 là thấp nhất trong hơn ba năm rưỡi và củng cố cho quyết định cắt giảm lãi suất của Fed.
Tuy nhiên nhiều người tin rằng các đề xuất của ông Trump, đặc biệt là thuế quan cao hơn, có thể đẩy giá tiêu dùng lên cao. Sau khi Fed cắt giảm lãi suất 25 bps vào thứ Năm, Chủ tịch Jerome Powell đã đưa ra rất ít hướng dẫn về tốc độ và mức độ cắt giảm lãi suất.
THỊ TRƯỜNG HÀNG HOÁ
Hiện tại, thị trường đã giảm bớt những lo ngại về kinh tế và căng thẳng chính trị, điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng bán tháo đối với hàng hóa. Trong ngắn hạn, xu hướng đồng đô la, hiệu quả của gói kích thích kinh tế của Trung Quốc, và vai trò lãnh đạo của nền kinh tế Mỹ sẽ là các yếu tố chính chi phối thị trường.
Trên thị trường kim loại quý, những gì tăng mạnh thì cũng có thể giảm mạnh. Các lo ngại và bất ổn đã phần nào giảm bớt, do đó, giá vàng và bạc sẽ có xu hướng điều chỉnh giảm. Đối với thị trường năng lượng, Tổng thống đắc cử Trump đã tuyên bố chính sách "khai thác tối đa“, điều này có thể gây áp lực lên giá dầu trong suốt mùa thấp điểm về nhu cầu ở bán cầu Bắc.
Thị trường nông sản dường như đang tiến gần đến giai đoạn đạt đỉnh về nguồn cung, với sản lượng dồi dào ở Hoa Kỳ và Nam Mỹ. Mặt khác, nhu cầu xuất khẩu ngô của Mỹ đang rất mạnh và có thể tiếp tục tăng lên trừ khi đồng đô la kéo dài đà tăng gần đây.
Một yếu tố được cho là tạm thời tác động tiêu cực đến hàng hóa là sự
không chắc chắn về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Thị trường vẫn tin rằng có 64% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 12, mặc dù Chủ tịch Fed đã cho biết họ sẽ thận trọng hơn trong các quyết định.
Quan điểm dự báo | ||
USD | Biến động trong biên độ; không có đồng tiền nào nổi trội. | Trung lập |
Vàng | Điều chỉnh; xu hướng tăng tạm thời bị phá vỡ. | Tiêu cực |
Bạc | Điều chỉnh; xu hướng tăng tạm thời bị phá vỡ. | Tiêu cực |
Đồng | Nghi ngờ về nền kinh tế Trung Quốc gia tăng áp lực. | Trung lập |
Dầu thô | Dự báo giảm mạnh nếu không có sự kiện về nguồn cung từ Iran. | Tiêu cực |
Xăng | Nguồn cung hạn chế tuy nhiên nhu cầu vẫn yếu. | Tiêu cực |
Khí tự nhiên | Kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng vào năm 2025 và bắt đầu tạo đáy cho thị trường. | Tích cực |
Đậu tương | Báo cáo cung cầu thuận lợi, nhưng thời tiết Nam Mỹ sẽ hạn chế khả năng tăng giá. | Tiêu cực |
Ngô | Nhu cầu có thể đang đạt đỉnh và có khả năng sẽ điều chỉnh. | Trung lập |
Lúa mỳ | Biến động vẫn tiếp diễn nhưng dự báo mưa sẽ gây áp lực. | Trung lập |
Đường | Xuất khẩu của Brazil đạt mức cao kỷ lục vào cuối tháng 10. | Tiêu cực |
Cà phê | Đồng Real mạnh hơn của Brazil đang hỗ trợ giá. | Tích cực |
Ca cao | Vụ thu hoạch chính ở Bờ Biển Ngà tăng 10% so với niên vụ 2023/24. | Tiêu cực |
Bông | Bộ Nông nghiệp Mỹ cắt giảm xuất khẩu năm 2024/25 xuống mức thấp nhất trong 9 năm. | Tiêu cực |
THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA SAU BẦU CỬ
Ngoại trừ thị trường chứng khoán, hầu hết các thị trường hàng hóa có khả năng sẽ điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng hưng phấn sau cuộc bầu cử. Thị trường vàng và bạc thường dễ chịu tác động giảm giá mạnh. Thêm vào đó, với việc Fed bày tỏ sự thận trọng đối với các đợt cắt giảm lãi suất sắp tới, đồng đô la Mỹ mạnh hơn, căng thẳng chính trị tại Mỹ hạ nhiệt, thì giá vàng có khả năng trở thành một trong những loại hàng hóa yếu nhất.
Mặt khác, chính quyền sắp tới hứa hẹn sẽ gỡ bỏ các hạn chế đối với sản xuất dầu của Mỹ, điều này sẽ có thể khiến sản lượng hiện tại – vốn đã đạt mức kỷ lục – tiếp tục tăng cao và góp phần giảm áp lực lạm phát.
Vì vậy, thị trường dầu thô được cho là sẽ bược vào xu hướng giảm, với hợp đồng dầu thô tháng 1 có thể giảm mạnh đến 6 USD. Tuy nhiên, nguồn cung xăng hạn chế của Mỹ có thể hỗ trợ cho giá xăng. Rủi ro tăng giá đối với dầu thô sẽ đến từ khả năng xảy ra một cuộc tấn công lớn đột ngột của Israel vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran.
Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy doanh số bán xe tại Mỹ
Hầu hết người tiêu dùng Mỹ sử dụng tín dụng để mua sắm các sản phẩm lớn, vì vậy mức cắt lãi suất 75 điểm cơ bản kể từ tháng 9 đã thúc đẩy doanh số bán xe tại Mỹ. Mặc dù lãi suất sẽ không giảm về mức của năm 2020-2022, nhưng dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2025.
Công cụ dự báo Fed Watch của CME dự đoán 64% khả năng sẽ có thêm một đợt giảm 25 điểm cơ bản vào cuộc họp FOMC tháng 12, và 24% khả năng sẽ có thêm một đợt giảm 25 điểm cơ bản nữa vào cuộc họp tháng 1.
Doanh số bán xe tại Mỹ trong tháng 10 đạt mức 16,038 triệu xe. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4 và là mức cao thứ hai kể từ tháng 5 năm 2021.
Khác với sự biến động lớn về doanh số hàng tháng trong giai đoạn 2020-2022, doanh số bán xe tại Mỹ đã duy trì trong một phạm vi tương đối hẹp kể từ đầu năm 2023. Nếu Fed tiếp tục hạ lãi suất, điều này có thể thúc đẩy doanh số bán xe tại Mỹ lên mức cao nhất trong nhiều năm và hỗ trợ các thị trường platinum, đồng và năng lượng.
CẬP NHẬT TỔNG HỢP ĐẬU TƯƠNG
Tổ hợp đậu tương ban đầu phản ứng tiêu cực sau chiến thắng của ông Trump do lo ngại về chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, giá đã nhanh chóng phục hồi, và đậu tương kỳ hạn tháng 1 đã đạt mức cao nhất trong 3 tuần vào cuối tuần, nhờ giá dầu đậu tương tăng mạnh.
Báo cáo cung/cầu tháng 11 của USDA đưa ra một số con số tích cực vào thứ Sáu, đặc biệt là sản lượng giảm xuống còn 51,7 giạ/mẫu, thấp hơn 1,4 giạ so với dự kiến là 52,8. Sản lượng ở Minnesota và Illinois giảm 2 giạ/mẫu, ở Iowa giảm 3 giạ/mẫu, và ở Missouri giảm 4 giạ/mẫu. Có thể USDA đã ghi nhận tình trạng độ ẩm rất thấp của đậu tương khi thu hoạch, điều này có thể ảnh hưởng đến sản lượng. Nhu cầu được điều chỉnh giảm nhẹ, với nghiền và xuất khẩu giảm so với tháng trước, nhưng việc giảm 80 triệu giạ tồn kho xuống còn 470 triệu từ 550 triệu trong tháng trước đã làm giảm bớt áp lực cung gần hạn trên đậu tương. Đậu tương kỳ hạn tháng 1 đạt mức cao nhất 1044 vào thứ Sáu, tăng 0,58 USD so với mức thấp trong đêm bầu cử. Dù báo cáo này có xu hướng tích cực hơn so với kỳ vọng, nhưng có thể chưa đủ để bù đắp cho một vụ mùa Nam Mỹ khổng lồ tiềm năng nếu thời tiết thuận lợi. Mức tăng có thể bị hạn chế đối với đậu tương kỳ hạn tháng 1 trên 1050 trừ khi thời tiết ở Nam Bán cầu trở nên xấu hơn.
Quan điểm cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc, bao gồm cả khả năng áp thuế và thời tiết thuận lợi cho mùa vụ Nam Mỹ, tạo ra triển vọng tiêu cực toàn diện đối với tổ hợp đậu tương. Tuy nhiên, bất kỳ việc thực hiện chính sách mới nào của ông có thể sẽ phải chờ vài tháng. Trong khi đó, đậu tương Mỹ đang có giá rất cạnh tranh so với Nam Mỹ cho đến đầu năm sau. Mặc dù đậu tương chưa thấy sự tăng vọt nhu cầu như ngô trong vài tuần qua, nhưng nhu cầu đã được cải thiện. Vấn đề của đậu tương là thời tiết thuận lợi tại Nam Mỹ, và khả năng có một vụ mùa lớn có thể cho phép Trung Quốc tránh mua đậu tương Mỹ nếu thuế quan được áp dụng, làm giảm hiệu quả của chúng. Mặt khác, nếu thời tiết ở Brazil xấu đi, Trung Quốc có thể sẽ ít đối kháng với ông Trump hơn và thậm chí có thể đồng ý với một thỏa thuận mua nông sản như đã làm trong nhiệm kỳ trước của ông. Bất chấp các số liệu tích cực trong báo cáo của USDA, triển vọng thời tiết thuận lợi tại Nam Mỹ có thể trở thành lực lượng chi phối thị trường nếu nhu cầu xuất khẩu của Mỹ chững lại. Các nhà phân tích ưu tiên vị thế bán ngắn hạn sau đợt tăng gần đây.
CẬP NHẬT NGÔ
Nhu cầu ngô đã tăng mạnh trong tháng qua với 4 tuần liên tiếp có số liệu xuất khẩu trên 2 triệu tấn mỗi tuần. Rõ ràng, cuộc bầu cử là một trong những lý do khiến các nhà mua hàng toàn cầu, đặc biệt là Mexico, đã đẩy mạnh việc mua gần đây. Tuy nhiên, giá ngô Mỹ vẫn cạnh tranh, và giai đoạn cuối của mùa thu hoạch thường là lúc người mua cho rằng giá sẽ ở mức thấp nhất trong năm. Tuy nhiên, báo cáo cung/cầu tháng 11 của USDA vào thứ Sáu vừa rồi giữ nguyên lượng xuất khẩu so với tháng trước, và USDA có thể đang báo hiệu rằng đợt tăng vọt doanh số bán gần đây không có khả năng duy trì lâu dài. Nếu xu hướng này kéo dài, USDA sẽ buộc phải điều chỉnh trong báo cáo cung/cầu cuối cùng vào tháng 1.
Sản lượng thu hoạch đạt 183,1 giạ/mẫu (BPA), thấp hơn dự báo 183,7, có thể do điều kiện độ ẩm rất thấp vào thời gian thu hoạch, làm hạt ngô co lại và giảm sản lượng nhẹ. Sản lượng giảm ở Nebraska 4 giạ/mẫu và Texas giảm 9 giạ/mẫu. Phần còn lại của bảng cân đối kế toán không thay đổi. Nhập khẩu ngô của Trung Quốc giảm xuống 16 triệu tấn từ mức 19 triệu tấn trong tháng trước. Mùa vụ Nam Mỹ giữ nguyên, nhưng lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc giảm 3 triệu tấn so với tháng trước và sản lượng của Mexico giảm 500.000 tấn. Kết luận là báo cáo có xu hướng tích cực cho thị trường, nhưng giá ngô đã tăng đáng kể trong tháng này và có khả năng sẽ gặp phải lực cản mạnh nếu vượt mức 450 trên hợp đồng tháng 3.
Thông thường, vào nửa cuối tháng 11, giá ngô bắt đầu suy yếu khi tiến đến ngày thông báo đầu tiên của hợp đồng tháng 12, khi các nhà đầu tư thoát khỏi các vị thế trước khi giao hàng. Các nhà phân tích ưu tiên tìm kiếm một đợt tăng giá để thiết lập vị thế bán ngắn hạn, nhằm chờ đợi sự điều chỉnh giá vào ngày thông báo đầu tiên vào cuối tháng này.
>>>Xem thêm : Hàng hóa phái sinh là gì? Tìm hiểu cách đầu tư hàng hóa sinh lời