Nợ công của Pháp đang ở mức cao kỷ lục, đạt 3.300 tỷ euro vào cuối quý III/2024, theo báo cáo từ Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE). Điều này tương đương 113,7% GDP và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, có khả năng chạm ngưỡng 120% GDP vào năm 2027, bất chấp nỗ lực kiềm chế của chính phủ.
Quy mô nợ gia tăng
Trong quý vừa qua, nợ công Pháp đã tăng thêm 71,7 tỷ euro. Các chuyên gia của INSEE dự đoán xu hướng này sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2030, khiến nước này đối mặt với áp lực tài chính ngày càng lớn.
Đầu tháng 12, Moody's - một trong những tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới - đã hạ mức tín nhiệm của Pháp từ "Aa2" xuống "Aa3", tương đương với đánh giá của Standard & Poor's và Fitch. Moody's nhận định, chính phủ Pháp không có đủ khả năng giảm thâm hụt ngân sách một cách bền vững sau năm 2025.
"Dự báo tài chính công của Pháp trong ba năm tới sẽ yếu hơn đáng kể so với các kịch bản được đưa ra vào tháng 10/2024," đại diện Moody's nhận xét.
Chi tiêu công và thâm hụt ngân sách
Dự thảo ngân sách năm 2025 của Pháp, hiện vẫn chưa được thông qua, dự kiến thâm hụt ngân sách khoảng 140 tỷ euro. Thủ tướng François Bayrou cảnh báo rằng nếu chính phủ không có các biện pháp như tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu công, mức thâm hụt có thể dao động từ 5,5% đến 7% GDP, vượt xa mục tiêu 5%.
Ngoài ra, chi phí khắc phục hậu quả sau cơn bão Chino - được xem là thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại Pháp - cũng khiến áp lực tài chính gia tăng. Antoine Deruennes, Tổng giám đốc Agence France Trésor, cho biết chính phủ có kế hoạch vay thêm 300 tỷ euro vào năm 2025, tăng 15 tỷ euro so với năm nay.
So sánh với các quốc gia châu Âu khác
So với Đức, Pháp đang có sự khác biệt đáng kể về quản lý nợ công. Trong khi Đức giảm tỷ lệ nợ công xuống 62% GDP vào năm 2019, Pháp lại để tỷ lệ này leo thang lên gần 114%. Điều này khiến Paris gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy tắc của EU, vốn giới hạn nợ công ở mức 60% GDP.
Chỉ có Hy Lạp và Italy hiện có tỷ lệ nợ công cao hơn Pháp trong khối EU, nhưng cả hai nước này đang cho thấy tín hiệu phục hồi, trong khi Pháp tiếp tục trượt dài.
Gánh nặng lãi suất và rủi ro chính trị
Chi phí trả lãi nợ công của Pháp dự kiến tăng từ 55 tỷ euro vào năm 2025 lên 72 tỷ euro vào năm 2027. Khi đó, trả lãi nợ công sẽ trở thành khoản chi lớn nhất của nhà nước, vượt qua cả ngân sách giáo dục.
Về mặt chính trị, mức nợ công cao khiến Pháp mất dần tiếng nói trong EU, đồng thời làm tăng rủi ro mất ổn định tài chính trong nước. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng nếu không có những cải cách quyết liệt, tình trạng này sẽ tiếp tục đẩy Pháp vào vòng xoáy nợ nần.
Những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với chính phủ Pháp trong việc tìm kiếm các giải pháp khả thi để kiểm soát nợ công, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đọc thêm:
Hàng hóa phái sinh là gì? Tìm hiểu cách đầu tư hàng hóa sinh lời