Nga đang đứng trước nguy cơ mất nguồn thu hàng tỷ USD khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt qua Ukraine tới châu Âu sắp hết hạn vào cuối năm nay. Dù Nga tuyên bố sẵn sàng gia hạn, Ukraine lại giữ thế "nắm đằng chuôi", với Tổng thống Zelensky kiên quyết không gia hạn nếu các điều kiện chưa đạt yêu cầu.
Theo Reuters, nguồn thu từ việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine mang lại khoảng 5 tỷ USD mỗi năm cho Moscow. Tuy nhiên, với quan điểm cứng rắn của Ukraine, khả năng gia hạn thỏa thuận này trở nên mong manh, đẩy Nga vào thế khó khi nền kinh tế nước này vốn đã chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt.
Ukraine cũng không chịu thiệt quá nhiều nếu mất đi khoản phí trung chuyển khí đốt khoảng 800 triệu USD mỗi năm, tương đương 0,5% GDP của họ. Điều này cho phép Kyiv mạnh tay hơn trong việc áp đặt điều kiện, như yêu cầu Nga không nhận thanh toán từ doanh thu khí đốt cho đến khi xung đột chấm dứt.
Căng thẳng này không chỉ ảnh hưởng đến Nga và Ukraine mà còn đẩy một số quốc gia châu Âu như Slovakia, Áo và CH Séc vào tình thế khó khăn. Dù các nước này có thể tìm nguồn khí đốt thay thế, nhưng mức giá cao hơn sẽ là bài toán đau đầu cho họ trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Về phía Nga, việc mất tuyến trung chuyển này sẽ càng khoét sâu vào doanh thu năng lượng vốn đã giảm 24% vào năm ngoái do lệnh trừng phạt. Moscow đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường bằng cách chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu điều này có đủ bù đắp cho "khoản lỗ" từ châu Âu hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Thỏa thuận này sắp hết hạn trong vòng vài ngày tới, nhưng tình hình hiện nay cho thấy đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là cuộc chơi chính trị căng thẳng giữa Nga và Ukraine, với ảnh hưởng lan tỏa ra toàn khu vực.
Đọc thêm:
Nến Shooting Star là gì? Cách sử dụng nến Shooting Star hiệu quả nhất
Hàng hóa phái sinh là gì? Tìm hiểu cách đầu tư hàng hóa sinh lời