Nga đã áp thuế 55,65% đối với phụ kiện nội thất nhập khẩu từ Trung Quốc, động thái bất ngờ làm gia tăng áp lực lên quan hệ thương mại giữa Moscow và Bắc Kinh, theo tờ Asia Times. Đây là một thay đổi đáng kể, đặc biệt khi phụ kiện nội thất từ Trung Quốc chiếm phần lớn nguồn cung của thị trường Nga.
Từ mùa thu năm 2024, cơ quan hải quan tại Vladivostok, cửa ngõ phía đông nước Nga, đã thay đổi cách phân loại các bộ phận ray trượt đồ nội thất, xếp chúng vào danh mục "ổ trục", khiến mức thuế tăng vọt từ 0% lên 55,65%. Vladivostok hiện chiếm đến 90% tổng lượng phụ kiện nội thất nhập khẩu từ Trung Quốc vào Nga, biến thay đổi này thành một cú sốc lớn đối với cả ngành sản xuất và nhập khẩu.
Sergey Zmievsky, Chủ tịch công ty nội thất Almaz, nhận định rằng ray trượt đồ nội thất có thể chiếm tới 30% chi phí sản xuất nội thất nhà bếp. Việc tăng thuế không chỉ gây áp lực tài chính lên các nhà sản xuất mà còn làm giá thành sản phẩm tăng mạnh, đẩy người tiêu dùng vào tình thế khó khăn.
Hiệp hội Doanh nghiệp Đồ nội thất và Chế biến gỗ Nga (AMDPR) cảnh báo rằng mức thuế mới có thể khiến nhiều nhà nhập khẩu phá sản, đồng thời đẩy chi phí sản xuất đồ nội thất trong nước tăng thêm 15%. Theo Alexander Shestakov, Chủ tịch AMDPR, việc nhập khẩu đồ nội thất thành phẩm hiện chỉ chịu thuế 9-12%, thấp hơn đáng kể so với chi phí sản xuất nội địa, điều này làm giảm sức cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước.
Theo AMDPR, Nga nhập khẩu khoảng 1,3 tỷ USD phụ kiện nội thất mỗi năm, phần lớn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, với mức thuế mới, các nhà nhập khẩu hiện phải trả từ 20.000 đến 25.000 USD cho mỗi container, khiến nhiều công ty không thể duy trì hoạt động kinh doanh và phải gửi trả hàng về Trung Quốc.
Nhiều nhà bình luận Trung Quốc đã bày tỏ sự không hài lòng, cho rằng mức thuế của Nga không công bằng khi chỉ áp dụng thuế 10% đối với hàng hóa tương tự từ châu Âu. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Nga ưu tiên các đối tác thương mại phương Tây hơn Trung Quốc trong một số lĩnh vực, bất chấp mối quan hệ chặt chẽ về chính trị và chiến lược giữa hai nước.
Zhou Yang, một cây viết của tờ Sina, nhận xét rằng dù Nga và Trung Quốc là thành viên của BRICS và thường phối hợp đối phó với sức ép từ Mỹ, mối quan hệ này không loại trừ khả năng cạnh tranh. Ông nhấn mạnh rằng sự khác biệt trong lợi ích kinh tế có thể gây ra những xung đột tiềm tàng trong tương lai.
Động thái tăng thuế được cho là nỗ lực của chính phủ Nga nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa và tăng nguồn thu ngân sách. AMDPR đã đề xuất mức thuế 60% đối với đồ nội thất nhập khẩu từ các quốc gia "không thân thiện" và 10% đối với các quốc gia "thân thiện" nhằm tạo sân chơi bình đẳng hơn. Trong khi đó, các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi áp mức thuế lên tới 30-60% đối với đồ nội thất Nga, khiến ngành sản xuất của nước này chịu áp lực cạnh tranh lớn.
Đọc thêm:
Hàng hóa phái sinh là gì? Tìm hiểu cách đầu tư hàng hóa sinh lời