Sau gần một tuần giảm liên tục, giá khí tự nhiên hôm nay (19/12) tiếp tục xu hướng tăng trong phiên thứ hai liên tiếp. Xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ dự kiến đạt mức kỷ lục mới trong năm 2024 nhờ sản lượng khí đốt nội địa cao nhất từ trước đến nay, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp tăng trưởng trong lĩnh vực này. Theo dữ liệu từ Kpler, Mỹ có thể xuất khẩu tới 86,9 triệu tấn LNG trong năm 2024, tăng khoảng 720.000 tấn (0,8%) so với năm trước, bất chấp một số gián đoạn hoạt động tại các cảng xuất khẩu và sự chậm trễ trong các dự án mới.
Dù sản lượng tăng trưởng đáng kể, ngành xuất khẩu LNG của Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu khí đốt ở các thị trường trọng điểm chững lại đã khiến giá xuất khẩu LNG trung bình trong năm 2024 giảm 21% so với năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu trung bình là 6,15 USD/ngàn feet khối, giảm so với mức 7,75 USD của năm 2023 và thấp hơn đáng kể mức 12,20 USD vào năm 2022 – thời điểm xung đột Nga-Ukraine đẩy mạnh nhập khẩu LNG tại Châu Âu.
Mức giảm giá LNG của Mỹ vượt qua mức giảm 15% của giá hợp đồng khí đốt tương lai Henry Hub – chỉ số chuẩn của Mỹ – khiến doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp LNG sụt giảm trong năm nay. Thị trường Châu Âu, vốn là khách hàng chính, ghi nhận nhập khẩu LNG từ Mỹ giảm 22%, buộc các nhà xuất khẩu phải tìm kiếm các thị trường thay thế, trong đó có Châu Á. Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc làm tăng chi phí vận chuyển do khoảng cách xa hơn, thời gian vận chuyển kéo dài và tổn thất khí đốt do bốc hơi.
Dữ liệu từ Kpler cho thấy, nhập khẩu LNG từ Mỹ vào Châu Âu trong năm 2024 dự kiến đạt 43,8 triệu tấn, giảm 12,7 triệu tấn so với năm 2023 – mức thấp nhất kể từ năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu LNG của Mỹ sang Châu Á tăng 8 triệu tấn, đạt 31,6 triệu tấn. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển từ Mỹ đến Nhật Bản gấp đôi so với đến Châu Âu, chưa kể khối lượng khí giao hàng giảm do hao hụt trong quá trình vận chuyển.
Dự báo cho năm 2025, giá khí đốt toàn cầu có thể tăng, mang lại lợi nhuận cao hơn cho các nhà xuất khẩu. Theo LSEG, giá khí đốt tại trung tâm TTF ở Hà Lan dự kiến tăng gần 12%, trong khi hợp đồng tương lai Henry Hub có thể tăng 32% so với mức trung bình năm 2024. Tuy nhiên, giá cao cũng có thể làm giảm nhu cầu tại các thị trường nhạy cảm về chi phí như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh – nơi các nguồn năng lượng rẻ hơn như than đang cạnh tranh mạnh mẽ.
Tính đến 8h03 ngày 19/12/2024 (giờ Việt Nam), theo Oilprice.com, giá khí tự nhiên trên thị trường thế giới tăng 0,95%, đạt mức 3,406 USD/mmBTU đối với hợp đồng giao tháng 12/2024.
Kinh nghiệm đầu tư hàng hóa phái sinh - 5 bước đơn giản để đầu tư hàng hóa thành công