Theo ghi nhận, giá khí tự nhiên trên thị trường thế giới tăng 0,73% lên mức 3.610 USD/mmBTU cho hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 12/2024, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong vòng một tháng qua.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ tuyên bố của EU về việc không tiếp tục quan tâm duy trì trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraina. Tuyên bố này được đưa ra sau khi một nhóm doanh nghiệp lớn tại Trung Âu kêu gọi EU hỗ trợ gia hạn hợp đồng trung chuyển, nhưng không nhận được phản hồi tích cực.
Theo Bloomberg, giá khí đốt tại Châu Âu ngày 17/12 tăng 4,4%, mức tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 11. Diễn biến này xảy ra ngay sau khi Ủy ban Châu Âu khẳng định đã sẵn sàng kết thúc thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga - Ukraina vào cuối năm nay.
Trong thông báo chính thức, EU tuyên bố: "Ủy ban không còn quan tâm đến việc duy trì trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraina. EU đã chuẩn bị đầy đủ các phương án thay thế." Tuy nhiên, tuyên bố này đã dấy lên nhiều lo ngại, đặc biệt từ các quốc gia không giáp biển như Slovakia và Hungary, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga.
Việc dừng trung chuyển khí đốt không chỉ đẩy giá tăng cao mà còn có nguy cơ gây thiếu hụt nghiêm trọng trong một mùa đông lạnh giá. Đại diện Slovakia, Phó Thủ tướng Denisa Sakova, cho biết nước này đang khẩn trương đàm phán với các đối tác, bao gồm Gazprom, để tìm giải pháp cung cấp và trung chuyển 15 tỉ mét khối khí đốt – khối lượng hiện đang được vận chuyển qua Ukraina.
Theo SPP, nếu dòng chảy khí đốt bị gián đoạn, Slovakia sẽ thiệt hại hơn 220 triệu euro do phải mua và trung chuyển từ các nguồn thay thế. Trong khi đó, Ukraina cảnh báo cơ sở hạ tầng khí đốt của nước này sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng, thậm chí "không thể phục hồi" nếu tình trạng này kéo dài.
Dù EU khẳng định rằng tác động lên giá khí đốt sẽ "không đáng kể", nhưng thị trường vẫn đang đối mặt với áp lực lớn. Ông Ferencz, một chuyên gia năng lượng, cảnh báo: "Nếu mùa đông năm nay khắc nghiệt, tình trạng thiếu hụt khí đốt và gián đoạn nguồn cung trên toàn Châu Âu là điều khó tránh khỏi."
Trước tình hình đó, Ukraina tuyên bố sẵn sàng hợp tác với EU để trung chuyển khí đốt từ các nguồn cung khác ngoài Nga nếu được yêu cầu.
Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng khí đốt tại Châu Âu đang bước vào giai đoạn quan trọng. Quyết tâm đoạn tuyệt với nguồn cung từ Nga của EU được xem là động thái chiến lược, nhưng cái giá phải trả có thể là sự leo thang chi phí năng lượng, kéo theo những áp lực lớn đối với nền kinh tế của các quốc gia Trung và Đông Âu.
Kinh nghiệm đầu tư hàng hóa phái sinh - 5 bước đơn giản để đầu tư hàng hóa thành công