Giá khí đốt tự nhiên trên thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh, duy trì xu hướng tích cực trong bối cảnh các công ty phương Tây gia tăng nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế khí đốt Nga. Theo trang Oilprice.com, vào lúc 8h05 ngày 24/12/2024 (giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên hợp đồng giao tháng 12/2024 tăng 2,38%, đạt mức 3.743 USD/mmBTU.
Kể từ khi Nga phát động xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, Hoa Kỳ cùng các đồng minh NATO đã triển khai chiến lược nhằm loại bỏ dần khí đốt Nga trong nguồn cung của Châu Âu. Với việc Donald Trump chuẩn bị bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1/2025, chính quyền mới được dự báo sẽ đẩy nhanh các nỗ lực làm suy giảm ảnh hưởng kinh tế của Nga, đồng thời củng cố vị thế năng lượng của phương Tây trên toàn cầu. Bên cạnh đó, chiến lược này cũng là một phần trong mục tiêu rộng hơn của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn sức ảnh hưởng kinh tế - chính trị của "Trục kháng cự" do Iran dẫn đầu ở Trung Đông và sự bành trướng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Khu vực Đông Địa Trung Hải, đặc biệt là Ai Cập, đang trở thành tâm điểm của các công ty năng lượng phương Tây. Ai Cập không chỉ sở hữu trữ lượng khí đốt lớn ước tính khoảng 1,8 nghìn tỷ mét khối (Tcm), mà còn có vị trí địa chính trị quan trọng, kiểm soát Kênh đào Suez – điểm nghẽn vận chuyển toàn cầu với 10% lượng dầu và LNG thế giới đi qua. Ngoài ra, Ai Cập còn có công suất xuất khẩu LNG lớn nhất khu vực, tạo điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm năng lượng hàng đầu. Tuy nhiên, các dự án phát triển dồn dập tại đây cũng đang tạo ra một số khó khăn kinh tế cho quốc gia này, mặc dù chính phủ đã đưa ra các biện pháp khắc phục.
Trong khi đó, đảo Síp, một điểm nóng khác ở Đông Địa Trung Hải, cũng đang được chú ý với các vòng cấp phép thăm dò khí đốt mới. Theo Bộ trưởng Năng lượng George Papanastasiou, trữ lượng khí đốt chưa khai thác tại đây ước tính khoảng 0,45 Tcm, nhưng con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Đảo quốc này có 13 lô ngoài khơi, trong đó 10 lô đã được cấp phép cho các công ty năng lượng lớn như ExxonMobil, Chevron, TotalEnergies và Eni. Với sự tham gia mạnh mẽ của các tập đoàn lớn, Đông Địa Trung Hải đang trở thành khu vực chiến lược trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu và giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.
Kinh nghiệm đầu tư hàng hóa phái sinh - 5 bước đơn giản để đầu tư hàng hóa thành công